Những thập kỷ gần đây sự đổi thay diễn ra thần tốc.
Một số hình thái truyền thông đã thay hình đổi dạng, thậm chí bị khai tử trong khi rất nhiều thứ khác đang trở thành xu hướng khuynh đảo.
Nhiều thương hiệu lớn yên nghỉ, một số khác chật vật hồi sinh.
Những nhãn hàng từng là “thanh xuân” của Millennial (Gen Y) nay sẵn sàng nhập cuộc làm mới mình để bước vào trào lưu Gen Z.
Các nền tảng Forum, Flickr, Yahoo! 360°,... đắm mình trước cơn xốc nổi vô đối của mạng xã hội Facebook, TikTok, Pinterest, Instagram.
Báo in dần biến mất, ngành truyền thanh - truyền hình không chỉ cạnh tranh với các bên sở hữu “băng tần” mà còn phải "đấu" với cả những bên sử dụng “băng thông”.
Giữa những đổi thay, ta thấy một điều dường như chưa thay đổi: ngành Truyền thông vẫn trụ ở đỉnh cao, hào nhoáng; quy tụ những con người có tư chất sáng tạo, thông minh, nhanh nhạy, hiểu người hơn người.
"Dòng Sông Không Ra Biển - Bây giờ mới kể, chuyện làm nghề Truyền thông" là hành trình của gần 20 năm, Trang không chọn kể nhiều về đời mình mà dành phần lớn để nói về nghề xen lẫn trong đó là những gập ghềnh, đứt gãy; nhiều lần tôi ngỡ Trang bỏ cuộc nhưng rồi lại thấy Trang mở sân chơi, cầm cờ, tận lực làm nghề cùng tâm thế tươi mới.
Với người trẻ muốn trở thành “người trong ngành" Truyền thông, đây là quyển sách nên đọc để biết trước chuyện ngày sau.
Với người đã có kinh nghiệm trong ngành, đây là cuộc dạo bước ngược về những năm tháng đã qua bằng hồi ức.
Với người ngoại cuộc, đây là một thế giới rất đáng để ghé vào và lật giở từng trang.
- Kiều Nguyễn, Content Writer.
Một cuốn sách làm nghề marketing truyền thông có tâm, làm với đam mê, với sự đàng hoàng tử tế, với sự trân trọng từng con người và thời khắc diễn ra với chị; một cuốn sách về nghề truyền thông với những con chữ lãng đãng dẫn dắt mình qua từng miền ký ức của chị… và là một cái kết hẫng… vô phương… làm mình tê lại và nghĩ nhiều về chị, về một người chị quen qua chị bạn thân, được gặp và nói chuyện hai lần, nhưng được nghe tiếng và kể lại với rất nhiều ngưỡng mộ.
Trong sách chị có nhắc đến ngôi sao bắc đẩu của chị, cũng là ngôi sao mình luôn tôn trọng trân quý. Mình chưa được trực tiếp làm việc với chị-ngôi-sao bao giờ, chỉ mé mé ngắm và học lỏm vì trong cùng tập đoàn; nay được nghe chị Trang kể về chị TT, mình tự cho mình thêm áp lực, để cố gắng được là 1 góc của 2 chị.
Cám ơn chị Zennie Trang đã cho em quen biết và đã viết lại chuyện làm nghề truyền thông mấy ngày nghỉ ở nhà đọc sách sướng lắm chị
- Ý Nhi Đỗ, TMRV Vietnam.
Quen Trang gần 15 năm trước, khi còn sống "kiếp con sen Agency", mình chưa từng biết Trang có bút lực tốt như đến khi cầm cuốn sách của cô. Không biết nên gọi cuốn này là gì, tự truyện về cuộc đời - trải nghiệm sống, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, hay gom góp những trang nhật ký đối thoại với chính mình và những người ngoài mình? Thôi hãy gọi là kể chuyện nhé, bởi "story-telling" chính là cốt lõi của nghề, của người người làm truyền thông.
Người làm truyền thông tốt chính là người biết kể những câu chuyện hay. Muốn kể những câu chuyện hay, trước tiên phải hiểu thấu người nghe muốn nghe câu chuyện gì, ngay cả có khi họ còn... chưa biết mình sẽ muốn nghe câu chuyện đó. Và Trang đã kể những câu chuyện hay trên đường đi học và làm nghề.
"Truyền thông chỉ thực sự sinh động, khua khuấy, tạo tiếng vang khi dám bộc lộ bản chất của loài quỷ: khơi dậy nhu cầu từ nơi sâu thẳm nhất, thúc đẩy ham muốn đạt đến cấp độ không thể cưỡng lại và mở đường cho người tiêu dùng toại nguyện. Mỗi tư liệu truyền thông chạm vào người tiêu dùng phải có mãnh lực giống như là một thông điệp của quỷ. Loài quỷ không cho không ai bất cứ thứ gì. Với cán cân cho-nhận thích đáng, con người ta sẽ phải trung thực và thận trọng hơn với nhu cầu mong muốn được đáp ứng của mình."
Mình thích đoạn trên lắm. Người thấu tỏ lẽ này chắc chắn là người làm nghề giỏi. Những tưởng người làm nghề giỏi đó sẽ tiếp tục được thỏa chí vẫy vùng để bơi ra biển lớn, nhưng đọc tới đoạn cuối, mới hiểu tại sao Trang lại đặt tựa sách như vậy. Dòng sông đó khó có thể hoà vào biển lớn trong trạng huống bị cầm giữ trong điều kiện thể lý bất như ý.
Để thấy Trang đã mạnh mẽ như thế nào mới vượt qua con sóng dữ của sức khoẻ, và chọn an trú với những điều gần gũi với trái tim, như cách cô chọn sống đương thời. Để hiểu vì sao hơn chục năm trước Trang đang tràn đầy nhiệt huyết với những bọn tự kỷ tăng động như ma-cà-tưng, bọn psycho như creative hay bọn mê thú đau thương như Agency, hồ như ngày nào không quay cuồng là ngày đó ngưng sống; vậy mà chừng ấy năm sau lại tìm gặp nhau ở một điểm khó ngờ, đó là có chung niềm yêu thích với những thứ giúp nới lỏng, giảm tốc guồng quay cuộc sống hơn, như gốm sứ, hoa hoè, thủ công mỹ nghệ...
Dù thế nào đi nữa, khi gập sách của Trang lại, mình vẫn thấy Trang có một đoạn đời thật đáng sống, tận cùng với đam mê, tận hiến cho tuổi trẻ, dẫu câu kết trong sách Trang hẫng buồn là thế.
Và mình mong trang sách gấp lại như thế, nhưng "Trang đời" sẽ tiếp nối những dòng an yên, tĩnh tại, tiếp tục cho Trang tạo thêm nhiều giá trị cho cuộc sống này. Cho mọi người xung quanh, cho lớp trẻ những người muốn dấn thân vào marketing, communications, brand building. Và nhất là cho chính Trang.
- chị Thoa Nguyễn, Philip Morris Vietnam.
Viết về 30 phút ấn tượng đầu tiên khi đọc kỹ một chương và lướt qua 2-3 chương ngẫu nhiên của Dòng...
Đọc trúng một chương mà mình ngỡ đang trong một lớp học Truyền Thông -Marketing, nơi mà giảng viên đang hùng hồn mô tả ma trận phân chia công việc và khái niệm tượng hình của các phương thức truyền thông, thật rõ ràng, khúc chiết và hấp dẫn. Tui có thể mường tượng từ câu chữ của Bạn mà ra cái vòng tròn 360 độ & những điểm giao thoa đó. Bạn xẻ & slice từng con chữ, rồi trình bày lên dĩa sashimi rõ, đẹp, không thiếu miếng nào. Đọc thêm về chương lãnh đạo thì mình thấy thôi rồi, nếu mời cô Trang này qua làm cái workshop thảo luận nghệ thuật lãnh đạo là quá hợp và hời luôn. Tui thích cái từ “đong đưa’ để nói về “Đời có tên nghề mình” của Bạn, căng người ra để cân bằng, thăng bằng và là người chiếu spotlight cho người khác. Ê, nghề tui cũng na ná như vậy!
Khi đưa tôi đi qua những chương ngắn kể lại từng giai đoạn, mảng việc trên đường làm nghề của Bạn, những nickname Bạn đặt cho các nhân vật, như những nét vẽ sketchy phóng khoáng, gợi cho tôi nhớ các tên gọi trong Harry Potter và không biết sao tôi cũng nhớ đến cách thoại của Wimpy the Kids. Thế nhưng, giọng văn của Bạn và mạch văn của Bạn, nó đưa tôi đến ngay trước cửa phòng của Don Draper và Peggy Olson trong MAD MEN, nghe lỏm họ nói chuyện, tranh cãi rồi tự sự, làm tôi muốn "binge-watch" liền coi cô này cãi đến đâu và ngày mai sẽ có sản phẩm gì.
Thoại trong văn của Bạn và các tình tiết chảy liên tục như kiểu phim của Wes Anderson (tui mới coi gần nhất là The Wonderful Story of Henry Sugar). Nó khiến mình choáng ngợp theo kiểu một thước phim lối kịch nghệ hoa mỹ, đầy màu sắc sôi động, diễn viên liên tục thoại trước những khung hình biến hóa liên tục... còn tui thỉnh thoảng lại cần cái remote TV để tạm dừng và xem kỹ từng góc hình. Để chiêm ngưỡng và thỉnh thoảng lắng đọng. Rồi gật gù, mỉm cười lật lại kiếm từng câu quotes đầu chương mỗi khi nghiệm lại câu triết lý cá nhân của Trang ở cuối chương, tui tặc lưỡi cho rằng bộ sách phim này rất cần người khán giả tò mò này mua vé xem nhiều lần.
- Hồng Phượng, Giảng viên (khoa Kinh doanh)
... trên hết là, tôi chiêm ngưỡng dòng trong muôn dòng, dẫu không vươn mình ra biển- như chị từng ước vọng, vẫn mang trong mình khí chất của sông lớn, khi ghềnh thác chảy siết (có thể cuốn trôi đi phù du), khúc bình lặng hoang sơ (không ai đoán nổi).
là một trong những người đặt sách đầu tiên (có lẽ vậy), tôi đương nhiên hoàn tất việc đọc cuốn sách khá sớm, và, giới thiệu cho bạn bè, anh chị em công nhân ngành. có người chị đôi lần ra khỏi ngành bất thành, nói - em giới thiệu cho các bạn trẻ nhiều lên, cho các bạn sáng mắt ra, bớt ảo tưởng ngành. buồn cười, ảo tưởng - ở đâu chả có, nhất là ở thời đại người người sống bằng mặt-sách (face-book). ảo tưởng dựng xây thế giới mới.
cuốn sách ấn tượng với hơn 400 trang về nghề, như dòng sông chảy siết với nguồn năng lượng khổng lồ, cuốn phăng sỏi đá phù du, ngạo nghễ băng qua u nhọt của ngành, không ngừng vươn tới, với chí lớn, quả quyết.
33 trang cuối lắng đọng, da diết trong tôi hơn cả. bởi ngay cả chiến binh thao lược, can trường nơi mặt trận, một khi sa chân vào cơn thập tử nhất sinh thì áo giáp cũng hoá tro. chúng ta là con người trong tất cả ý nghĩa lớn lao lẫn nhỏ bé bất lực của con-người. trước cơn sóng lớn trong biển cả số phận, buông có khi là giữ. trôi theo dòng cũng là để trở về sâu thẳm một dòng chảy nguyên sơ.
những ngày đọc lại, gấp cuốn sách vào, mở trang sách ra, tôi đinh ninh - cuộc đời con người, cũng như dòng sông, có nga ba ngã bảy, có khúc ngoặt, có khi lại là khúc quanh, không ra biển lớn thì quanh co đôi lần cũng để dòng sông gạn đục khơi trong, trong dâu bể lòng sông thanh lọc được đôi phần trong trẻo, mát lành, cho mình và cho đời.
- Hồ Anh, Copywriter.
Giáng Sinh đang về... tháng 12 , không gian ấm áp thơm hương lavender nhè nhẹ trong gian cà phê nhỏ, và vẫn là những náo nức em chờ để trao tận tay cô tác phẩm đầu tay ôm trọn giấc mơ em.
Em kể chuyện đời và chuyện nghề, một cô gái chuyên ngành Truyền Thông tốt nghiệp tại đất nước Cờ Hoa với tấm bằng Master of Arts, em đã chọn trở về và truyền lửa cho những thế hệ đàn em.
Hôm nay, cô muốn nhắc đến Mẹ của Trang , người đã đưa em ra biển lớn, cũng đã ôm trở lại đứa con gái thương yêu nhỏ bé trong vòng tay.
Cô chọn đọc trước Chương I: Gieo mầm trên đất lạ, để thấy một Trang Nguyễn đầy tài năng, kiên cường quyết định tương lai của chính mình qua “Con đường tự quyết“ “Ván bài nhập cuộc“ “Công chúa cũng phải múa“ rồi “Quả táo lớn mơ màng trong đông giá” và nhiều nữa những điều lạ lẫm của những tháng năm là du học sinh.
Mẹ của Trang - Phụ huynh của 3 chị em cùng học với cô cách nhau vài tuổi: Thùy Trang, Chúc Anh và Trang Anh - là người phụ nữ cô nhớ mãi với nụ cười khiêm tốn, hiền lành.
- cô giáo nhớ mình không? thật may mắn cả 3 cháu cùng học với cô.
Cô nghĩ thầm: không biết mấy đứa nhỏ có thấy “may mắn“ như mẹ nói không? và từng đó năm trời, mẹ và chỉ có mẹ luôn sẵn sàng gặp cô, chờ cô ngoài hành lang để hỏi han từng chút về 3 chị em.
Ngay đầu sách em đã viết “Quyển sách này Con viết tặng Mẹ - Người là tri thức, là tinh thần, là tình cảm và là tài sản lớn lao nhất cuộc đời Con“
Tình yêu to lớn nhất trong đời của đứa con chính là mẹ; hơn ai hết cô hiểu nỗi đau đến quá sức chịu đựng trước sự ra đi của Mẹ.
Và cho đến hôm nay, Zennie Trang Nguyễn đã từng ra biển lớn chống chọi với bao giông tố, lại trở về với dòng sông em: bình yên và hạnh phúc, bởi em đã thỏa sức vẫy vùng phải không Trang?
Đơn giản và an nhiên không hoa mỹ, lý tưởng suông như cái cách em tỏ bày khi chọn trở về:
“Sài Gòn, Sài Gòn... nơi chốn ấy, những ngày này, càng lúc càng thấy sáng nhấp nháy màu huyền thoại của “ngôi sao phương Bắc“ cái thứ ánh sáng của một định hướng không gì có thể đổi dời. Sài Gòn của tôi, chỉ khi hướng về nơi ấy, tôi tin mình mới tìm thấy hành trình mạch lạc tinh tấn nhất cuộc đời.
Nghĩ vậy, tôi thấy ấm áp trong quyết định trở về với Sài Gòn, về với phố đường “vừa một bàn chân bình yên“ - (trích đoạn “ sẽ chẳng tiếc gì hết “)
Con trai tôi vừa nói “mẹ cũng nên đọc Chương II: Kể trên đường làm nghề - để hiểu thêm về ngành con đã chọn và chị Trang là một trong những người truyền lửa cho con.“
- cô giáo Minh Vân.
Nghề quảng cáo thú vị nhưng lắm mông lung. Khó có thể kể cho dân ngoại đạo nghe về cái nghề này, và hiển nhiên, cái hay và cái chán của nghề còn phụ thuộc vào giai đoạn trong nghề của người kể chuyện. Kẻ mới gia nhập thì thấy bao điều mới lạ. hấp dẫn; kẻ đã lăn lộn thì nhiều uất ức và mệt mỏi. Cô Trang - là cách mà tôi thích gọi cô ấy - làm tôi sống lại trọn vẹn suốt quãng đời làm nghề từ trẻ đến già, và cảm được sự hồ hởi ban đầu cũng như đến lúc nhận thấy quá đủ và cần dừng lại. Cô kể chuyện về mình mà như là người thứ ba, mà đúng hơn là chiếc camera, đứng ngoài cuộc và thu lại hết hành trình trưởng thành của mình.
Cô Trang dù mới quen hay đã quen lâu vẫn cứ ngỡ là con người gai góc. Cô nói chuyện mạnh mẽ và ứng biến quyết liệt. Thế mà qua cuốn sách này, tôi vỡ ra một con người khác của cô ấy, tình cảm và bao dung. Cô nhìn chính cô ấy trong mối tương quan với đồng nghiệp, bạn bè, người quen bằng sự khách quan, không phán xét, và chứa đầy lòng biết ơn - trân trọng.
Cô Trang đã trải qua mọi cung bậc của cuộc sống, niềm vui, háo hức, mất mát, đau đớn.... Những tưởng những điều đó đã làm cô trở nên gai góc, nhưng thật đẹp làm sao khi trải nghiệm đã cho cô sự ung dung - tự tại.
Hôm nay cô Trang ra sách! Thật mừng khi có thêm một người trong nghề mạnh dạn viết về mình, về nghề, để người ngoài hay các em trẻ biết rõ hơn về thế giới thú vị nhưng đầy mông lung này. Sự chân thật, thật đến nỗi tên các nhân vật đều là thật, sẽ đem đến góc nhìn đa chiều về thế giới Tiếp thị & Truyền thông.
- chị Diệu Anh, AiM Academy Founder.
Những trang sách mở ra, cả bầu trời kỷ niệm ùa về – là tháng Năm của 18 năm trước chúng tôi gia nhập ngôi nhà Venus Communications, là cơ duyên khi được làm việc và già đi cùng nhau. Với tôi, Trang vẫn luôn là một bà chị quán xuyến mọi dự án bằng sự chỉn chu, sáng tạo và… giọng nói không thể quyền lực hơn.
Từng câu chuyện nhỏ của Trang gói ghém biết bao kiến thức quý, giúp những bạn làm nghề Truyền thông - Tiếp thị thương hiệu hệ thống lại và cùng lắng sâu hơn những trải nghiệm từ đời thực.
- Cúc Nguyễn, Brand Expert.
Vẫn còn lưu giữ trong ký ức những hình ảnh đầu tiên khi gặp -trg ở sân bay LAX. Chiếc áo sơ mi trắng bó, quần jean xanh nhạt và kiểu nói cười rổn rảng, hoàn toàn khác xa với “giọng” văn nhẹ nhàng, nữ tính trên mạng. Chúng tôi - hai người gần như thuộc về hai thế hệ khác nhau, lại như những người thân quen, không một chút xa lạ ở lần đầu gặp mặt. Và cứ như vậy, tôi đã song hành cùng -trg trong suốt những tháng ngày tiếp nối trên đất Mỹ, đồng cảm/sẻ chia với -trg những hăm hở ngày đầu khi bước chân xuống LA, rồi đến cả những mệt mỏi, chán chường khi niềm kỳ vọng dần tắt.
Với tôi, khoảng thời gian “gieo mầm trên đất lạ”, cùng với những phen loay hoay, dò dẫm là điều kiện cần và đủ để -trg có thể gặt hái được những thành công khi “tạm biệt dòng sông nhỏ”, giúp -trg buông bỏ triệt để “giấc mơ Mỹ” và mạnh dạn tiến lên phía trước. Tôi không ngạc nhiên khi -trg thông báo quyết định quay về Việt Nam trong quá khứ, và tôi cũng không quá ngạc nhiên khi biết được những thành công của -trg trong sự nghiệp.
Cám ơn em không làm anh thất vọng. Cám ơn em đã cùng “ông chú” lang thang trên “ đất lạ” trong những tháng ngày “gieo mầm”.
- anh Tân Hồ @Los Angeles.
Sếp và em biết nhau cũng khá lâu rồi Trang nhỉ. Thời gian ở DLV, thỉnh thoảng em có ghé vào phòng sếp chơi, nói vài chuyện vặt vãnh, càm ràm đôi chút về công việc, bình phẩm một bài thơ phổ nhạc yêu thích... kiểu như em cần xả stress để rồi ngay sau đó lại quay về với công việc đầy áp lực của một Marketing Trainee phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của anh Marketing Manager luôn yêu cầu nhân viên cống hiến 110% khả năng.
Em rời công ty, cũng bẵng đi một thời gian sếp lại nghe tin về em. Lần này không phải về công việc mà là những câu chuyện em phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, những tháng ngày vật vã trong phòng lưu trú bệnh viện, cận kề giữa sống và chết...
Cũng khoảng 3 năm sau, mình lại gặp nhau ở tòa nhà Bitexco. Ngồi trước mặt sếp không còn là "Trang voi" - biệt danh mà bạn bè thường gọi - mà là một thân hình nhỏ bé với bờ vai gầy guộc. Chỉ còn lại giọng nói của em vẫn sôi nổi như ngày nào và ngời lên ánh mắt là một ý chí không đầu hàng số phận. Em nói với giọng thật bình thản "Việc trị liệu đã lấy đi của em 20 năm tuổi. Hiện giờ tuổi trên giấy tờ của em là 36, nhưng cơ thể là của một người 56". Không thể nói lên cảm xúc lúc ấy của sếp, Trang ơi!
Hôm nay đọc vài chương bản thảo của cuốn sách "Dòng sông không biển" của em, sếp hiểu con đường em chọn. Những chia sẻ về nghề nghiệp thật bổ ích cho các bạn trẻ vào nghề cũng như những gian khổ em đã trải qua sẽ là nguồn năng lượng tiếp sức cho các bạn trẻ. Khó khăn chỉ là thử sức bền bỉ của con người thôi. Mặc cho bao giông tố, bất công, em vẫn mạnh mẽ như con sông luôn vượt qua những quanh co khúc khuỷu để mang dòng nước tưới mát cho đời...
Vẫn dõi theo em.
- Chief Nguyễn Hữu Thiết @Dutch Lady Vietnam.
Chuyện nghề-truyền-thông, được “chưng cất” bởi một story-teller chính hiệu con nai vàng không mơ-màng, càng không ngơ-ngác!
Dùng lại từ của Trang (chưng cất) làm tôi thấy vui vui trong lòng. Một niềm vui vừa sâu kín, vừa thoả hê giống như niềm hân hoan khi đọc sách của Trang, của một “tri âm” về con chữ.
Hồi Trang gửi bản thảo, tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao phó vì 800 lý do. Lúc cầm sách trên tay, tôi thiệt không chắc khi nào mình sẽ đọc hết để không phụ lòng bạn.
Vậy rồi, tôi đã “cày” hết, từng chữ (thậm chí còn phát hiện lỗi thiếu chữ do in ấn) trong 7 ngày, trên xe, trên máy bay, trên giường, trên bàn ăn, trên bãi cỏ cạnh bờ sông…
Trước và trên nhứt, tôi YÊU chữ của Trang. Giống như trót yêu chữ của Nguyễn Ngọc Tư, của Phan Việt, của Nguyễn Ngọc Thuần. Tôi thoả mãn nhấm nháp, ngấu nghiến bữa tiệc chữ Trang tặng. Cảm thấy mỗi chữ sao mà nó chuẩn xác, nó xốc nảy và nó sôi động đến vậy, hả Trang?! 10 năm 900 bồ chữ của bà nằm hết trong này???
Thứ thì, tôi cảm ơn Trang đã thật cụ-tỉ trong những câu chuyện kể. Thế giới của nghề-truyền-thông, trong đó có nhiều đoạn hồi ức tưởng-chừng-đã-quên của tôi, được Trang kể thiệt tỉ mỉ, tươi xoi xói như người ta vẽ con tôm với đầy đủ từng cái chân ngoe ngoảy (lại mượn tứ của chú Du Tử Lê). Nhờ vậy mà, tôi nghĩ, với những bạn trẻ muốn hiểu về nghề, hay muốn chắt lọc những insights, approaches, … sẽ tìm thấy được nhiều điểm-chạm qua từng câu chuyện với đầy đủ lý thuyết được thể hiện trong nhiều ngữ cảnh thực chiến đa ngành hàng, từ góc nhìn ngây ngô đến sành sỏi mà vẫn luôn chân thật của chính-chủ. Một cách dạy & học dễ tiêu hoá và gợi-hứng hơn đọc các sách chuyên ngành nặng phần mô-thức.
Với những người-cùng-thời với Trang, như tôi, những ghi chép của Trang như một bản sonata-dưới-ánh-trăng, tỏ rạng và khơi dậy những rung động đã phủ bụi thời gian. Và thú thật là tôi đã liên kết được vài điểm sáng cho công việc hiện tại nhờ những câu-chuyện-rất-lành-nghề của quyển sách.
Điểm "spoil" cuối cùng, tôi dành những yêu dấu cho chương ngắn nhất, mà hàm chứa sinh-tử tận cùng. Vẫn lối kể chuyện cụ-tỉ nhưng tôi nghĩ Trang đã chắt-lọc thật nhiều về hành trình đối diện với ung thư của chính mình. Ở đó, là những cảm xúc vẫn rất rạng-tỏ, rất Trang, trong những ngày mây mù âm u nhất. Ở đó, tôi nhớ đến Phi, đến Thảo, đến những cùng trời cuối đất mà hơn nửa đường đời mình đã may mắn đi qua… và biết ơn, “cũng chỉ vậy thôi”…
Gấp cuốn sách, lòng tôi mong Trang có thêm nhiều tháng ngày thanh nhẹ, bớt tự-khảo, thêm tự-tại. Để tôi có thể đọc thêm chữ của Trang nhiều lần nữa, dẫu có thể sẽ phải chờ, hơi lâu.
- Trâm Phạm, Brand Expert.
Tôi mất hơn hai tuần để đọc trọn cuốn sách; giữa những câu chuyện nghề, chuyện người, tôi đôi lần tạm dừng lắng vài ngày rồi mới chậm rãi đọc tiếp cho đến những trang sách cuối cùng.
Trang sách gấp lại, trong tôi là những xúc cảm khóc cười khi đối diện với nỗi đau nghiến người; cùng lúc, sững sờ nhận lấy một sự thật quá thật trong cuốn sách mà trước đó trong nhiều tuần nhiều tháng làm việc cùng chị, tôi hoàn toàn không hay biết.
Trang sách gấp lại, tôi nghĩ về sự chân thành sâu sắc, sự gan góc quyết liệt và hiểu thêm về người chị, người bạn - Zennie Trang Nguyễn.
Cuốn sách chân thật và đáng đọc.
Trong một thế giới cuồn cuộn các thông tin, mọi người luôn vội vàng và khao khát nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để vươn mình ra biển lớn, mời bạn hãy dừng lại để trải nghiệm cuộc đối thoại về người, về nghề với những trang sách của Dòng sông không ra biển. Trong những khoảng lặng câu chữ của Zennie Trang Nguyễn, bạn sẽ tìm thấy những đối thoại của riêng mình.
Mời bạn. Hãy sẵn sàng. Hãy để những trang sách nói với Bạn về dũng khí một con người dám đương đầu với giới hạn thử thách, can đảm bộc lộ bản thân theo cách đối diện và chọn lấy ý nghĩa cuộc đời: sống, làm nghề và vẫy vùng đến tận cùng với những điều mình đã chọn.
Từ những trang sách, Tôi đã nhận cho mình món quà khích lệ bản thân. Tôi hi vọng bạn cũng sẽ có những trải nghiệm hữu ích khi đọc sách của chị Zennie.
- Thảo Phan, PR Consultant.
Dòng sông không ra biển, thì… dòng sông đi đâu?
Tựa sách. Lật từng trang. Đọc. Khắc khoải. Suy nghĩ. Rồi, bất giác hỏi: …tại sao?!!!
Đó là cung bậc cảm xúc của tôi khi đi qua những kết nối các câu chuyện: trắc trở, khó khăn, biến cố mà những trang chữ chị Zennie mang đến cùng với năng lượng xuyên suốt của toàn bộ quyển sách về một trái tim can đảm, chính trực, bảo vệ những giá trị sống cá nhân của riêng mình và chọn giữ lấy những điều lấp lánh trong bản chất thật ấy.
Chị viết về đời chị, kể câu chuyện làm nghề của chị, với những lát cắt hình ảnh trong đó dường như chị cũng viết nó thay cho tôi khi trở về những khúc quanh đứng trước những sự lựa chọn, ranh giới: buộc phải “vượt qua, trưởng thành” hay “thoả thiệp để an toàn” trong dòng sông nhỏ bé của mình… Tất cả những điều này đã đánh động khiến tôi phải soi chiếu lại bản thân và hành trình chị đi qua đã truyền cảm hứng về tinh thần: Can đảm sống với điều mình chọn lựa.
Nếu những ai quen biết chị Zennie Trang, duyên cớ hỏi về những điều quý giá mà chị ấy đã cất giữ ở đâu? Tôi sẽ trả lời: “Tôi không biết toàn bộ, nhưng tôi biết chắc chắn một phần đáng kể chị đã gửi gắm trên những trang chữ trong quyển sách này!”.
Cảm ơn chị đã viết ra quyển sách cuộc đời mình, một cuộc đời đáng để kể và không thể bị lãng quên.
- Dương Tố Đào, UI Designer.
Em là một đọc giả của quyển "dòng sông không ra biển"
Em vô tình biết đến sách của chị thông qua một người bạn của em, bạn ấy là copy-writer và được giới thiệu quyển sách thông qua workshop của anh Sơn (Sói Ăn Chay) mà có chị là khách mời trong đó.
Em đã nhiều lần muốn nhắn tin cảm ơn chị Trang nhưng cảm thấy không đủ dũng cảm và một phần em hơi ngại. Nay nhân một ngày em đang bị ế job (em cũng đang làm account ở 1 local agency ạ), em quyết định gửi chiếc tin nhắn này đi ạ.
Em đọc sách của chị Trang xong cảm thấy như được "chữa lành" á chị Trang, dù sách của chị không phải sách self-help hay sách tản văn. Em cảm thấy hành trình 20 năm làm ngành của chị Trang thiêt đáng ngưỡng mộ và inspire em rất nhiều, tương lai em không biết em còn làm Account hay làm truyền thông tiếp không, nhưng em chỉ muốn cảm ơn chị Trang và quyển tự truyện của chị rất nhiều, somehow somewhat em nhìn thấy chính mình trong đó, những lúc bù đầu OT miệt mài làm proposal, hay những lúc debate với internal hay đi bán idea....
Em chúc chị Trang thật nhiều sức khoẻ, sẽ luôn truyền lửa cho lứa sau tụi em và luôn gặp nhiều niềm vui, may mắn trong công việc cũng như cuộc sống ạ
Uyên Nguyễn, Account Management.